Covid-19 đã thay đổi thói quen người Việt như thế nào?
Sự bùng nổ toàn cầu của chủng virus SARS-CoV-2 từng khiến Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của dịch bệnh là sự đảo lộn trong sinh hoạt của người dân. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp đánh giá lại tốc độ cung ứng và ứng biến với tâm lý thị trường cũng như mô hình O2O.
Việt Nam thay đổi như thế nào trong mùa dịch?
Đời sống người dân bị xáo trộn
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi nền tảng khảo sát trực tuyến BEAN Survey từ ngày 06 đến ngày 8/2/2020, 79% số người trả lời cho biết dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen hàng ngày của họ, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và học tập bị đình trệ, ảnh hưởng tới tài chính cá nhân và gia đình. Tại Việt Nam, người dân đã phải thay đổi lối sống thường ngày để giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh: làm việc tại nhà hay nghỉ việc, học sinh sinh viên nghỉ học… Ngay cả khi chưa có quyết định cách ly toàn xã hội (từ 1/4/2020), các địa điểm công cộng, hầu hết các cửa hàng dịch vụ đều rất vắng khách, dẫn tới thua lỗ nghiêm trọng.
Người dân hạn chế ra ngoài tụ tập ăn uống, chủ động tích trữ thực phẩm, gọi đồ ăn và giải trí tại nhà/ online (Nguồn: Nielsen & Infocus)
Với 500 người tham gia khảo sát sinh sống ở ba thành phố lớn của Việt Nam là Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, thì có đến 45% người phản hồi rằng họ đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây. Những cửa hàng ảnh hưởng lớn, với hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống, 25% tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm trực tiếp.
Thói quen mua sắm thay đổi
Dịch bệnh cũng tác động mạnh mẽ đến các mô hình kinh doanh. Hầu hết các cửa hàng đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và quảng bá dịch vụ giao hàng tận nhà. Theo nhiều chủ cửa hàng, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến đã tăng mạnh, thậm chí nhiều nơi hiện tại chỉ còn kinh doanh trực tuyến. Cùng lúc đó, một số nền tảng giao hàng đã thúc đẩy và ra mắt tính năng cho phép người giao hàng đi mua sắm cho khách hàng.
Ảnh hưởng của dịch Covid 19 lên các hoạt động (Nguồn: Nielsen & Infocus)
Dự báo mô hình kinh doanh O2O sẽ phát triển mạnh sau dịch
Người Việt Nam hiện nay đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến (O2O). Đặc biệt, thời gian cách ly xã hội cũng đã đem lại cơ hội phát triển chuỗi cung ứng trực tuyến cho nhà bán lẻ nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Sau 22/04, nhu cầu nhu yếu phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ nhanh chóng ổn định trở lại, đặc biệt các hoạt động mua sắm giải trí được dự báo tăng mạnh trong những tháng tới. Điều này đòi hỏi nhà phân phối và nhà sản xuất nông sản cũng cần phải chủ động trong việc chuẩn bị hàng hóa.
Các dịch vụ đi chợ thay bạn bùng nổ trong thời gian cách ly xã hội
Các giải pháp được khuyến khích dành cho doanh nghiệp ứng biến với tâm lý thị trường sau dịch:
Một là, xây dựng hình ảnh có trách nhiệm, ổn định giá cả, thậm chí là giải cứu nông sản đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm.
Hai là, mở rộng hình thức bán hàng online, giao hàng tận nhà.
Ba là, kinh doanh coi trọng lợi ích cộng đồng, đảm bảo an toàn và minh bạch.
Bốn là, tăng cường digital marketing, đặc biệt là các chiến dịch theo xu hướng hiện tại.