Giải pháp nào cho vấn nạn an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối phía Bắc?
Chợ đầu mối nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của cả nước, song việc kiểm soát an toàn thực phẩm – vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt tại khu vực chợ đầu mối phía Bắc.
Chợ đầu mối xuống cấp
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn, chỉ khoảng 83 chợ.
Nguồn thực phẩm tại các chợ đầu mối khá đa dạng, từ rau, củ, quả cho đến thịt, tôm, cá… và cả các thực phẩm khô, đã qua sơ chế… Tuy vậy, hạ tầng kĩ thuật ở các chợ không được tu sửa thường xuyên, dẫn đến tình trạng nhếch nhác, tạm bợ, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, trong khi việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn, chưa kể việc phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế. Và phần lớn hàng hóa tại chợ đầu mối chưa được truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Vấn nạn an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số chợ đầu mối
Tại khu vực phía Bắc, các chợ đầu mối đều chưa đảm bảo vệ sinh, các hộ kinh doanh vãng lai là chủ yếu. Mặt hàng được bày bán trong chợ tuy đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nguyên nhân chủ yếu là do các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Việc mua bán này còn mang tính chất "cổ điển", không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Khu bày bán thịt tại một chợ đầu mối chưa đảm bảo vệ sinh
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và tác phong buôn bán trong chợ cũng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại một số chợ đầu mối, nhiều người kinh doanh thường để rau, củ, quả xuống đất bán mà chưa có kệ. Rác thải, lá và rau, củ quả hỏng, ủng trong quá trình vận chuyển, chọn lựa, không được thu gom gọn gàng, sạch sẽ.
Khi nói đến vấn nạn vệ sinh ATTP và vệ sinh môi trường, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến các chợ đầu mối lớn ở Hả Nội. Khu chợ từ thời điểm bắt đầu hoạt động cho đến khi vãn khách là một hình ảnh với đủ các loại rác thải, từ túi nilon, rơm, bao bì, hoa quả hỏng,… cho đến nước rửa tôm cá thịt. Mặc dù khi tan chợ có đội ngũ thu gom rác thải vệ sinh môi trường, nhưng do lượng rác thải quá lớn, công tác bố trí dọn không hợp lý dẫn đến việc tồn đọng rác hay xảy ra.
Giải pháp nào cho vấn nạn an toàn thực phẩm?
Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm chợ đầu mối, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi; đồng thời tăng cường quản lý thị trường. Tuy nhiên, chợ đầu mối miền Bắc vẫn mang bản chất nhỏ lẻ, phân tán, khiến công tác quản lý thị trường của nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Một biện pháp khác được đánh giá khả thi hơn được Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ là ban hành chính sách hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản mới, quy mô lớn, là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm hạng 1 của cả nước, với cơ sở vật chất hiện đại, kết hợp với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước ngay từ đầu. Đây cũng là nơi để các tỉnh, thành phố trong cả nước có vị trí giới thiệu đặc sản vùng miền, nông sản an toàn của địa phương.
Xây dựng chợ đầu mối mới, với quy mô lớn, tập trung các chợ đầu mối nhỏ lẻ có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm hiện tại, giúp Nhà nước bước đầu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thực hiện tốt mục tiêu này, nhà nước chiếm vai trò quan trọng trong việc xúc tiến quản lý, hợp tác cùng doanh nghiệp xây dựng chợ mới, tiến đến mục tiêu chợ đầu mối không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa đơn thuần, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy giao thương quốc tế cho Việt Nam.