Nông sản sạch - điều kiện tất yếu trong phát triển chợ đầu mối
Việc kiểm tra giám sát xác minh nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và vệ sinh trong chợ đầu mối không chỉ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch mà còn là đòn bẩy cho thương mại, dịch vụ phát triển.
Yếu kém trong an toàn thực phẩm chợ đầu mối
Việt Nam hiện có gần 8.600 chợ thực phẩm nông sản trong quy hoạch, trong đó chợ đầu mối chỉ chiếm khoảng 3%. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT TP Hà Nội, 80% các loại nông sản, thực phẩm được phân phối, tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh.
“Gánh nặng” quá tải chợ đầu mối, cùng với cơ sở hạ tầng lạc hậu khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các chợ đầu mối hiện tại chỉ có chức năng là phân phối hàng hóa. Vì thế, chất lượng hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản trước khi bán đến tay người tiêu dùng ít được kiểm soát.
Nông sản sạch vẫn lo lắng đầu ra
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là hướng đi bền vững cho người trực tiếp sản xuất bởi các sản phẩm này có lợi hơn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên không phải lúc nào người sản xuất hay nông dân cũng có đầu ra.
Thực tế, việc kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các kênh chính thống còn hạn chế. Hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường, và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ.
Việc tiêu thụ nông sản cho nông dân vẫn ở tình trạng thụ động, gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân: sản xuất không theo kế hoạch, cung vượt cầu, thụ động trong bán hàng, không liên kết hoặc ràng buộc rõ ràng với người thu mua…
Giải pháp từ gốc đến ngọn
Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đang là một yêu cầu của thực tiễn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để có được sự kết nối nhịp nhàng, gắn kết từ nhà sản xuất tới thị trường tiêu thụ, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan.
Người sản xuất – nông dân – cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tự giác trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà con nên có ý thức trong việc sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm và tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về phía chính quyền, để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, địa phương có thể ban hành thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Song song với đó là chủ động đề xuất thành lập đội liên ngành gồm thanh tra, quản lý thị trường, siết chặt việc kiểm soát chất lượng, nguồn hàng từ các tỉnh được tập kết tại các chợ đầu mối, phổ cập mã số, mã vạch hàng hóa… Để đồng bộ hóa gần 8.600 chợ, chợ đầu mối nông sản trên cả nước, theo kinh nghiệm tổ chức của châu Âu nên thiết lập một trung tâm cung ứng nông sản tại Việt Nam, với trọng tâm là kênh kết nối sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản mới, đồng bộ. Đây là công cụ chiến lược giúp chính quyền đạt được các mục tiêu của chính sách công về sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và chính sách nông nghiệp, cơ cấu lại hạ tầng đô thị, đảm bảo các hoạt động bán lẻ quy mô nhỏ và tạo động lực cho kinh tế địa phương.
Đối với nhà phân phối, để công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả tối ưu nhất, nhà phân phối cần tìm hiểu rõ sản phẩm đang phân phối, nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề.
Để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu rõ các thông tin khi mua sản phẩm hữu cơ, thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, thường xuyên đóng vai trò là giám sát viên thị trường đối với sản phẩm gia đình đang sử dụng. Điều này đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tính minh bạch của thị trường.