Nông nghiệp 2019 - "bứt phá" để hội nhập
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 ngành NN & PTNT đã diễn ra vào ngày 3/1/2019 dưới sự chủ trì của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế nông thôn.
1. Tổng kết năm 2018
Nhìn lại 2018, ngành nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản - đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cùng điểm lại những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm cũ:
GDP tăng gần 4%
GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đóng góp trực tiếp vào công cuộc phát triển đất nước, với nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 40 tỷ USD
Xuất khẩu cả nước vượt mức kế hoạch, vươn lên đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,6% so với 2017, đạt mức cao nhất từ trước đến nay với thị trường trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gia nhập CPTPP
Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP ngày 12/11/2018, Quốc hội khóa XIV thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với các văn kiện liên quan. Việc tham gia hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam.
2.200 doanh nghiệp mới
Năm 2018, số doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp lập mới 2.200, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 9.235 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay. Cả nước hiện đã xây dựng và phát triển mô hình liên kết với 1.096 chuỗi liên kết, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát an toàn.
Thu nhập hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng
Cả nước có 3.787 xã (42,4%) đạt tiêu chí nông thôn mới, thu nhập hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra.
2. Nông nghiệp "bứt phá" năm 2019
Năm 2019, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành trên 3%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD. Về phương hướng các năm tới, Việt Nam lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, trong đó, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào top 10. Để đạt được chiến lược đã đề ra, toàn thể lãnh đạo và nhân dân cần thống nhất và cùng phối hợp thực hiện những mục tiêu ngắn hạn.
Thứ nhất, đặc biệt đẩy mạnh chương trình thực hiện nông thôn mới, mục tiêu năm 2019 cả nước có 48 - 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chuyển đổi sản xuất, dựa theo lợi thế tiềm năng vùng song song đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng mô hình VietGAP đảm bảo đầu ra cho nông dân mang lại giá trị kinh tế cao.
Thứ hai, khắc phục nhược điểm ngành nông nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội mang lại từ CPTPP, trong đó có thể kể tới ba thách thức lớn: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khoa học công nghiệp trong nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả cao, và cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi nhất. Xuất phát từ những "điểm đau" này, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo...
Thứ ba, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, tận dụng tốt cơ hội thị trường, nông sản Việt Nam sẽ là sản phẩm kinh tế bền vững, đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu.