Giỏ hàng

Bài học từ Trung Quốc trong tâm dịch Corona và giải pháp cho nông sản "giải cứu"

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu năm 2020, dịch bệnh Corona bùng phát ở Trung Quốc khiến tình hình giao thương trở nên khó khăn, nhiều mặt hàng Việt xuất khẩu bị tồn đọng đặc biệt là nông sản.

Corona kéo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 30%

Thị trường lớn nhất của Việt Nam gần như khóa lại do Covid-19, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với tháng cuối năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 2,75 tỉ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỉ USD, giảm hơn 20%.

Trong số ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chính, nông-lâm-thủy sản đóng góp nhiều nhất, với 8.2 tỷ USD. Việc Trung Quốc tạm thời dừng xuất nhập khẩu hàng hóa do virus Corona thực sự khiến thị trường nông sản điêu đứng. Bởi trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, (chiếm 22 - 24%). Tạm thời đóng cửa biên giới Việt - Trung đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả, trái cây, sang thị trường hơn 1 tỷ dân này.

Container chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Việt - Trung

Hiện tại các cửa khẩu biên giới đang ùn tắc một lượng lớn nông sản, trong khi một số sản phẩm nông sản như thanh long, dưa hấu, sầu riêng... đang vào vụ thu hoạch nhưng không thể xuất khẩu. Thậm chí hàng hóa khi đã qua được cửa khẩu Trung Quốc cũng phải quay đầu do các bãi chứa ở cửa khẩu không đủ năng lực cung cấp điện để bảo quản hàng hóa. Và nếu chợ đầu mối nông sản phía Trung Quốc không hoạt động trở lại, các xe hàng xuất sang cũng sẽ bị ngừng trệ bên kia biên giới.

Rau quả, trái cây là mặt hàng nhanh hư hỏng, thay vì chờ đợi các thị trường xuất khẩu khác hay thuê kho lạnh, thương lái và doanh nghiệp chọn cách thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Thế là, hành động “giải cứu” trái cây với giá rẻ tại khắp các tỉnh thành cả nước xuất hiện.

sầu riêng giải cứu

Hình ảnh sầu riêng "giải cứu" chất đống trên vỉa hè (ảnh minh họa)

Trên thực tế, không phải đến lúc có dịch bệnh Corona nông sản Việt mới gặp khó khăn về xuất khẩu. Nếu không có dịch, thời gian tới chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn này do vướng mắc trong quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản, bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc. Đến nay, chúng ta vẫn "dậm chân tại chỗ", trong khi chính sách này được phía Trung Quốc thông báo từ 2017, nhận định từ Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch công ty chuyên xuất khẩu nông sản Bagico.

Bài học từ Trung Quốc trong tâm dịch Corona và giải pháp cho nông sản “giải cứu”

Nhìn lại Trung Quốc, với tâm dịch đầu tiên được xác định là chợ hải sản Hoa Nam, sau đó lan rộng hơn 75.000 người trên khắp thế giới (số liệu cập nhật ngày 20/02), hay đại dịch SARS (2002) cũng bắt nguồn từ các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc lây lan nhanh chóng sang 37 quốc gia, làm chết 774 người ở Trung Quốc. Nguy cơ của một chợ đầu mối không được quản lý chặt chẽ khiến dịch bệnh “lan tỏa” theo cấp số nhân và đe dọa toàn cầu. Liên đới của Corona có thể coi là bài học sát thực cho Việt Nam trong công cuộc cân đối xuất nhập khẩu, quản lý thị trường và kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là cở sở để chúng ta rà soát lại hệ thống chợ truyền thống, vốn được nhắc đến với thực trạng tự phát, cơ sở hạ tầng yếu kém, vệ sinh không đảm bảo...

Chợ động vật hoang dã

Các khu chợ động vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh (ảnh minh họa)

Chợ đầu mối lớn tập trung, có kết nối với các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới, được đầu tư quy hoạch bài bản, quản lý chặt chẽ, cơ sở hạ tầng tốt, công tác phòng chống dịch thường xuyên, kiểm soát hàng hóa nhập lậu và thực phẩm bẩn, là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh, và hạn chế tối đa tình trạng giải cứu nông sản. Bởi khi chợ đầu mối có khả năng giao thương quốc tế được hình thành, không những thị trường trong nước cho nông sản Việt được mở rộng mà cơ hội đến với thị trường nước ngoài cũng gia tăng. Nông sản Việt tập trung một mối không chỉ giúp chính người bán giảm thiểu khâu trung gian mà còn giúp người mua thuận tiện khi lựa chọn hàng hóa.

Tình hình Corona

Số lượng người nhiễm virus Corona cập nhật ngày 20/02/2020